Biệt điện Trần Lệ Xuân
Vẻ đẹp đi cùng giá trị văn hóa nguyên vẹn
Madame De Dalat, trước đây được biết đến với tên gọi Biệt điện Trần Lệ Xuân. Đây từng là nơi nghỉ ngơi của bà Trần Lệ Xuân cùng gia đình. Bà Trần Lệ Xuân đã gọi những ngày tháng sinh sống tại Biệt điện là “Quãng Thời Gian Hạnh Phúc Nhất”. Qua bao biến cố và thăng trầm của lịch sử, nơi này vẫn tồn tại và phô diễn một vẻ đẹp tuyệt vời cùng giá trị văn hóa nguyên vẹn.
Giai đoạn lịch sử
1958 - 1963
Năm 1958, sau khi hoàn tất các thủ tục mua bán khu đất trên đồi Lam Sơn, gia đình bà Trần Lệ Xuân đã cho xây dựng và sửa sang khu Biệt điện. Trong khoảng thời gian này, nơi đây trở thành nơi nghỉ dưỡng của vợ chồng ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân.
1963
Ngày 1/11/1963 đánh dấu sự kiện đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau cuộc đảo chính, Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị ám sát, bà Trần Lệ Xuân và các con phải sống lưu vong ở nước ngoài. Biệt điện Trần Lệ Xuân bị tịch thu, sung công và giao cho Tòa Thị chánh Đà Lạt quản lý.
Sau 1963
Năm 1969, Khu Biệt điện được chuyển làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên. Sau cuộc tháo chạy của chính quyền Việt Nam cộng hòa năm 1975, Biệt điện Trần Lệ Xuân dần chìm vào quên lãng. Năm 2006, toàn bộ Khu Biệt điện được trùng tu, tôn tạo và trở thành trụ sở của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Đến hiện tại, Biệt điện một lần nữa được tôn tạo và khoác thêm áo mới để trở thành Madame De Dalat.
Tham quan gì
Biến đổi và bảo tồn
Biệt điện là sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc Đông và Tây. Kiến trúc sư đã khéo léo kết hợp các yếu tố truyền thống của Việt Nam với những nét đẹp hiện đại của phương Tây, tạo nên một công trình vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa tiện nghi và thoải mái.
Các dinh thự trong biệt điện được xây dựng với những đường nét thanh thoát, hoa văn tinh xảo và bố cục hợp lý, thể hiện sự giao thoa văn hóa đặc sắc.
Từng được gọi với danh xưng mỹ miều “Lâm Ngọc – Viên Ngọc Quý Giữa Rừng”, Biệt điện Trần Lệ Xuân nổi bật lên như một viên ngọc quý, lấp lánh và thu hút mọi ánh nhìn.
Trải qua nhiều thay đổi của thời cuộc, Biệt điện Trần Lệ Xuân từ nơi ở của một gia đình quyền lực bậc nhất đã trở thành một di tích kiến trúc, văn hóa, lịch sử đặc sắc và thu hút với tên gọi mới là “Madame De Dalat”.
Trải qua không ít bào mòn của thời gian nhưng bằng rất nhiều nỗ lực bảo tồn, Madame De Dalat hôm nay vẫn giữ được không gian kiến trúc gần như nguyên bản, trở thành một trong không nhiều những địa chỉ lưu dấu gắn với biểu tượng của Đà Lạt.
Khu vườn Ký Ức
Khu vườn Ký Ức là “lời chào” đặc biệt Madame De Dalat dành cho du khách. Cho đến hôm nay, giống như Đà Lạt, Biệt điện Trần Lệ Xuân và cả chính cuộc đời của chủ nhân ngôi biệt điện – Madame Trần Lệ Xuân – vẫn phủ lên mình rất nhiều những bí ẩn và giai thoại chưa có lời giải.
Khu vườn Ký Ức là mê cung của vô vàn những nghi vấn, những dấu hỏi bất tận về những gì liên quan đến chủ nhân một thời của nơi này và cả những con người đã từng lưu dấu, góp phần làm nên diện mạo đầy mê hoặc của Đà Lạt hôm nay.
Bảo tàng Lâm Viên
Nơi du khách ngược dòng thời gian, lần theo dấu chân những người đầu tiên đặt chân lên vùng cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang) ẩn mình trong mây, khám phá câu chuyện đánh thức và đưa vùng đất này trở thành “Tiểu Paris phương Đông” đầy thơ mộng.
Bảo tàng Lâm Viên cũng dành một không gian đặc biệt để tôn vinh hành trình của chiếc áo dài Việt Nam qua từng thời kỳ, đặc biệt là lịch sử cùng những câu chuyện “hậu trường” ít được biết đến của chiếc áo dài cổ thuyền mà cho đến nay vẫn được mặc định gắn với tên của chủ nhân ngôi biệt điện này: Áo dài Bà Nhu!
Khu vườn Bà Nhu
Không gian mỹ cảm bậc nhất trong toàn bộ quần thể kiến trúc khu Biệt điện Trần Lệ Xuân, do KTS người Nhật Hiroshi Kitagawa thiết kế và thi công.
Khu vườn hiện tại vẫn giữ vẹn nguyên vẻ đẹp như thách thức thời gian, với điểm nhấn không thể bỏ qua là suối nhân tạo và hồ nước hình bản đồ Việt Nam, cùng những giai thoại gắn liền với tham vọng quyền lực của vị nữ chủ nhân nơi đây.
Một điểm nhấn mới mẻ trong Khu vườn Bà Nhu chính là con đường ghi dấu ấn những cột mốc và thời khắc quan trọng, gắn liền với cuộc đời Madame Nhu.